Monday, July 13, 2009

TUỔI GIÀ và TUỔI THANH NIÊN của Nguyễn Văn Nu

TUỔI GIÀ và TUỔI THANH NIÊN

Việt Nam sau ngày 30-4-1975, cả nước đặt trong tình trạng dở khóc dở cười: kẻ chiến thắng hoá ra kẻ đi chinh phục, chiếm đất, chiếm nhà, chiếm của, chiếm cả gái tơ nữa! Ngược lại nửa nước Miền Nam bị dày xéo và đọa đày đến mức bùn đen của cuộc sống, vẫn hy vọng ngày mai tươi sáng! Trong niềm hy vọng đó, họ chấp nhận hy sinh bằng mọi giá dù phải chết chóc để vượt thoát khỏi những bàn tay sắt máu của đồng loại Việt cộng “máu đỏ da vàng” mệnh danh là kẻ chiến thắng! Hơn 1.5 triệu người Việt Nam bất khuất đã liều chết ra đi: người may mắn đến bến bờ Tự do; kẻ không may đã làm mồi cho hải tặc, cá biển hoặc thú rừng xanh! Mục đích duy nhất là tìm tương lai cho đàn con đàn cháu!

Đạt được mục tiêu sơ khởi, các Thế hệ Luống tuổi và Đứng tuổi đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về sự tiếp nối con đường cứu Dân cứu Nước. Trong đó Thế hệ 1.5, 2, 3 Thanh Thiếu Niên xem ra không tha thiết và quan tâm mấy đến Tổ quốc và Dân tộc Việt nam đang quằn quại dưới ách độc tài toàn trị của Việt cộng! Chúng ta hãy gắng tìm ra nguyên ủy của vấn đề và tự xét xem lý do nào nên nỗi ấy?

Ngày nay toàn thể Quốc dân Đồng Bào Việt nam đang ở trong cảnh phân hoá và mọi giá trị di sản 4,000 năm Văn Hiến đang được các Thế hệ 50, 60, 70 và 80 xét lại. Có bạn than thở:

“Nếu Nguyễn Ánh đừng phái Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện thì nước ta đâu phải chịu 100 năm đô hộ giặc Tây!”

“Nếu Bảo Đại không sợ khó sợ khổ, dấn thân hy sinh cho Tổ quốc và Dân tộc Việt nam và thực lòng chống Pháp thì thời điểm sau Đệ II Thế chiến là dịp không bỏ lở mang lại độc lập cho Việt nam không đổ máu!”

“Nếu các vị lãnh đạo các Phong trào, Mặt trận, Đảng phái, Tôn giáo.. cùng những vị mệnh danh lãnh đạo Quốc gia cả 2 Miền Bắc Nam thực sự một lòng Vì Dân Vì Nước, không vì lợi danh nhất thời hay nô lệ ngoại bang bán đứng Đất Nước cho mọi thế lực Quốc tế!” thì Tổ quốc và Dân tộc Việt nam cùng 85 triệu Đồng bào trong nước đâu phải cam chịu cảnh thống khổ chồng chất như hiện tại v.v… !?!?

Lịch sử đã sang trang, những ai đã từng sống và hành động đúng, sai, phải, quấy trong bối cảnh Đất Nước hậu bán thế kỷ 19 và suốt thế kỷ 20 sẽ được các sử gia ghi nhận và phê phán đứng đắn, trung thực làm bài học quý giá cho chúng ta, cho con cháu của Tổ Tiên Lạc Hồng mai sau! Liệu chúng ta có đủ can đảm học những bài học lịch sử đầy máu và nước mắt đó:

- không thống trách, không mạt sát mà chỉ rút ưu khuyết điểm để chúng ta tự vạch ra một con đường tự lực, tự cường chúng ta phải theo hầu đẩy lui mọi mầm mống nô lệ ngoại bang và độc tôn yêu nước (vì Đất Nước là của chung, mọi công dân có quyền và bổn phận như nhau).
Người yêu nuớc, yêu dân, thức thời và tự trọng nên tránh:

- bệnh tự tôn tự đại (không ai có quyền Nhất Thống cả!),
- bệnh mất đoàn kết (vì háu danh, vì ích kỷ sợ người khác có Tài có Đức trên mình),
- bệnh sợ nay mình hy sinh mai kẻ khác hưởng (nên không dám bỏ Công của, Sức lực, Thì giờ, Tiền bạc.. có khi phải hy sinh cả tính mạng nữa ngay ngày hôm nay để cho con cháu mình mai sau được hưởng),
- bệnh nối giáo và làm thân trâu ngựa cho giặc để được miếng đỉnh chung mùi phú quý (đây là những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Hồ Chí Minh,Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh.. của thời đại nhan nhản như giòi!)..

Những bệnh thời đại này một ngày một hiện rõ ra trên những khuôn mặt luống tuổi hoặc đứng tuổi mà truóc đây đã một thời “oanh liệt”, cứ tưởng mình vẫn còn sáng giá, đắc khách. Nhất là những ai dám tự nhận mình là kẻ có công đuổi Pháp, diệt Phát xít, đập tan Đế quốc xâm lược..!!??

Chúng ta vẫn thường nghe: “Nếu thế hệ già biết nhường chỗ cho thế hệ trẻ.. và thế hệ trẻ biết học hỏi được kinh nghiệm qúy báu của Cha Ông dám dân than, tiến tới thì Tổ quốc và Quốc Dân Đồng bào Việt nam đâu đã phải thống khổ, tụt hậu vào hạng chót thế giới như ngày nay!?” Đó là lời than thở mà ai trong chúng ta nếu thật sự yêu nước yêu dân tộc cũng phải để tâm suy nghĩ, vì sao ra nông nỗi??!! Phải chăng giữa Tuổi Già và Tuổi Thanh Niên đầy nhiệt huyết đã không đến 1 Tụ Điểm nào đó về Tư Tưởng cũng như Hành động? Có lẽ cả 2 thế hệ đã không có sự thông hiểu, đồng cảm nhau mà mỗi phía nói một thứ tiếng nói riêng rẻ chăng?

1.- Về Giới Người Già: Đây chúng ta muốn đề cập đến Giới Luống Tuổi (từ 60, 70 hay 80 tuổi trở lên) và Giới Đứng Tuổi (từ 50 đến 60 tuổi). Cả 2 giới này thường quan niệm rằng:

- Họ là những người từng trải kinh lịch, ít ra họ cũng là nhân chứng hoặc người trong cuộc của một giai đoạn lịch sử hùng tráng hoặc bi thống của Việt nam.
- Họ thường hay tự phụ và tự cho mình là nhất thống không ai sánh bằng.
- Họ coi mình là người có nhiều kinh nghiệm về xử thế hay kinh bang tế thế, tài đức kiêm toàn!

Với những đức tính vừa kể, họ thường xem mình là nhân vật quan trọng(VIP), ra điều là cấp lãnh đạo chỉ huy, ít khi họ nhún nhường, từ đó gây mất đoàn kết, phân hoá, chia rẽ ở những người cùng chiến tuyến! Thái độ như thế là thái độ không nên, vì Giới Già phải nghĩ rằng: “Mỗi thời đại lịch sử sẽ có 1 lớp người của thời đại đó, còn chúng ta là những người đã qua hết giai đoạn của mình với 1 mớ kinh nghiệm sống nên vui vẻ, cởi mở, hợp tác truyền giao lại cho thế hệ con cháu bằng cách chỉ dẫn:

- đâu là chính nghĩa, lý tưởng phục vụ cho 85 triệu người Việt Nam quốc nội,
- đâu là tà mị, nô lệ tác hại lên những thế hệ mai sau!”

Nếu có thể được, chúng ta nguyện sẽ làm những viên gạch lót đường để các thế hệ trẻ học hỏi được kinh nghiệm của Cha Ông tiến lên về mọi mặt:

- Vậy đối với cá nhân, Người Già nên luôn luôn có tâm hồn của Giới Trẻ vui tươi, cởi mở, hợp tác và thích nghi với thời đại mới.

- Trong gia đình, Giới Già nên sống chung với các con cháu để có dịp trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức, giềng mối văn hoá… Chính tiếng cười, tiếng hát của đàn cháu chắt sẽ làm cho Quý Cụ, Quý Ông Bà vuỉ vẻ, khoẻ ra, chưa nói tới mặt kinh tế, bệnh hoạn ốm đau thuốc men, ăn uống ai lo, cũng phải nhờ đến giới trẻ!

- Ngoài xã hội, Giới Già nên từ bỏ tính chấp nhất, ích kỷ mà phải độ lượng, khoan dung và sẵn sàng đối thoại, hợp tác, chỉ bảo, đốc thúc giới trẻ học kinh nghiệm tiến lên, dấn thân cho tương lai đại cuộc!

2.-Về Giới Thanh Niên: Không phân biệt Nam Nữ, Giới Thanh Niên đều là rường cột của Tổ quốc, Giống nòi, nên giới này nên luôn luôn hướng về tương lai.

Trước hết phải dốc lòng học hỏi mọi mặt của Cha Ông, Gia đình, Trường học từ Giềng mối Văn hoá Dân tộc, Văn chương, Triết lý, Xã hội đến Khoa học, Kỹ thuật cũng như Mỹ thuật, Điện ảnh… để tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội, ổn định đời sống. Sau giai đoạn sinh tồn cá thể, giờ này Giới Thanh Niên đầy nhiệt huyết nên đi tìm lại quá khứ, bản sắc của chính mình để tự nhận diện xuất xứ, nguồn gốc của Gia đình, Ông Bà, Cha Mẹ là ai, từ đâu đến để sớm huớng về cội nguồn, Tiền đồ Dân tộc Việt Nam.
Muốn được như thế, Giới Thanh Niên không nên từ bỏ quá khứ bản sắc, chối bỏ Cha Ông của mình, trái lại phải lấy làm hãnh diện là con cháu giống Lạc Hồng, Lạc Việt, chấp nhận Gia đình là nơi quy tụ mọi giềng mối văn hoá Tổ tiên Việt nam.

Giới Thanh Niên nên ra công nối tiếp con đường mà Cha Ông mình đã từng mong mỏi: Tổ quốc Việt nam phải sớm thoát khỏi ách thống trị, độc tài, xiếng xích CSVN, 85 triệu Đồng Bào ruột thịt quốc nội phải được Tự do, Ấm no và Hạnh phúc!

Vậy Giới Trẻ nên nhận diện bản sắc mình ở quá khứ, và Giới Già nên cảm nhận được chân giá trị là nhìn về tương lai của đàn con đàn cháu!

“Qua đối thoại và sự tìm hiểu lẫn nhau, thông cảm nhau, chúng ta tin rằng Thế hệ Già Trẻ nên coi nhau như đồng chí, kẻ trước người sau tiến lên hơn là thiếu thiện cảm hay thù nghịch!” như nhận xét của tờ Pacific Asian News.

Nguyễn Văn Nu, cựu TNCTVN 4/2009
(viết từ năm 2000, có sửa đôi chút)

No comments:

Post a Comment