Sunday, July 26, 2009

Ủy Ban Nhân Quyền Úc

Ủy Ban Nhân Quyền Úc

Làm việc nhằm tiến tới một xã hội Úc nơi các quyền của con người được tôn trọng, bảo vệ và quảng bá


Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Ðẳng là ai ?

Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Ðẳng được thành lập năm 1986 thông qua một đạo luật của Quốc Hội Liên Bang.

Ủy Ban là một tổ chức pháp định độc lập và có nhiệm vụ báo cáo cho Quốc Hội Liên Bang thông qua Tổng Trưởng Tư Pháp.

Cơ cấu tổ chức của Ủy Ban

Ủy Ban là một tổ chức tập thể bao gồm một Chủ Tịch và năm Ủy Viên. Hiện nay 5 chức vụ này do 3 viên chức đảm nhiệm.

Bà Catherine Branson QC
Chủ Tịch

Bà Elizabeth Broderick
Ủy Viên đặc trách Phân Biệt Giới Tính và Tuổi Tác

Ông Tom Calma
Ủy Viên Tư Pháp Xã Hội về Thổ Dân và Ðảo Dân Torres Strait, đồng Ủy Viên đặc trách Phân Biệt Chủng Tộc

Ông Graeme Innes AM
Ủy Viên đặc trách Nhân Quyền, đồng Ủy Viên đặc trách Phân Biệt Khuyết Tật

Nhiệm vụ của Ủy Ban

Nhiệm vụ của Ủy Ban bao gồm:

* giáo dục và nhận thức công cộng
* các khiếu nại về đối xử phân biệt và nhân quyền
* sự tuân thủ nhân quyền
* phát triển chính sách và luật lệ.

Ủy Ban thực hiện những nhiện vụ này thông qua việc:

* giải quyết các khiếu nại về đối xử phân biệt hoặc vi phạm nhân quyền chiếu theo các đạo luật liên bang

* thực hiện các cuộc điều tra có tầm quan trọng quốc gia, chẳng hạn như việc cưỡng bách tách rời trẻ em Thổ Dân ra khỏi gia đình và quyền của trẻ em trong các trại tạm giam di dân bất hợp pháp

* phát triển các chương trình giáo dục về nhân quyền và tài nguyên cho các trường học, nơi làm việc và cộng đồng

* cung cấp tư vấn độc lập để trợ giúp các tòa án trong các phiên xử có liên quan đến các nguyên tắc nhân quyền
* cung cấp tư vấn và trợ giúp quốc hội cũng như chính phủ trong việc phát triển các đạo luật, chương trình và chính sách
* đảm trách và điều hợp các cuộc nghiên cứu có liên quan đến các vấn đề nhân quyền và đối xử phân biệt.


Nhân quyền là gì ?

Nhân quyền là những quyền của con người được dành cho tất cả mọi người ở mọi nơi không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, nguồn gốc, nơi sinh sống, quan điểm hoặc tín ngưỡng. Ðây chính là điều làm cho nhân quyền trở nên ‘phổ thông’.

Việc tôn trọng nhân quyền giúp xây dựng các cộng đồng vững mạnh mà mọi người đều có cơ hội đóng góp dựa trên sự bình đẳng và khoan dung. Dĩ nhiên chúng ta có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền của những người khác nếu muốn họ tôn trọng các quyền con người của chính chúng ta.

Ðối xử phân biệt là gì ?

Một hành vi được coi là đối xử phân biệt khi một cá nhân hoặc một nhóm người đối xử thiếu thiện cảm với một cá nhân hoặc một nhóm người khác vì lý do tuổi tác, chủng tộc, màu da, dân tộc hay nguồn gốc sắc tộc, giới tính, tình trạng thai nghén hoặc hôn nhân, tình trạng khuyết tật, tôn giáo, nguyện vọng về giới tính hoặc vì một số đặc tính trọng tâm khác.

Ðối xử phân biệt xảy ra khi một người bị từ chối cơ hội tham gia một cách tự do và đầy đủ trong các sinh hoạt thường ngày. Nó có thể bao gồm việc sách nhiễu hay trở thành nạn nhân tại nơi làm việc, không thể ra vào các toà nhà, hoặc tiện nghi vì những nơi này không có phương tiện tiếp cận; bị từ chối trong lãnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ; gặp khó khăn trong việc có được nơi cư ngụ và nhà cửa thích hợp hoặc không được quyền tham gia công đoàn.

Luật pháp

Ủy Ban có nhiệm vụ điều hành các đạo luật liêu bang dưới đây:

* Ðạo Luật Phân Biệt Tuổi Tác năm 2004 (Age Discrimination Act 2004)
* Ðạo Luật Phân Biệt Khuyết Tật năm 1992 (Disability Discrimination Act 1992)
* Ðạo Luật Phân Biệt Chủng Tộc năm 1975 (Racial Discrimination Act 1975)
* Ðạo Luật Phân Biệt Giới Tính năm 1984 (Sex Discrimination Act 1984)
* Ðạo Luật Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Ðẳng năm 1986 (Human Rights and Equal Opportunity Commission Act 1986)

Ngoài ra Ủy Ban còn có một số trách nhiệm cụ thể chiếu theo:

* Ðạo Luật Sở Hữu Ðất Ðai Tự Nhiên năm 1993( Native Title Act 1993), báo cáo việc thực thi và hưởng thụ nhân quyền của người Thổ Dân có liên quan đến quyền làm chủ đất đai (do Ủy Viên Tư Pháp Xã Hội về Thổ Dân và Ðảo Dân Torres Strait đảm trách)

* Ðạo Luật Quan Hệ Lao Tư năm 1996 (Workplace Relations Act 1996), có liên quan đến chế độ lương bổng liên bang và mức lương đồng đều (do Ủy Viên đặc trách Ðối Xử Phân Biệt Giới Tính đảm nhiệm).

Theo Ðạo Luật Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Ðẳng năm 1986, Ủy Ban có trách nhiệm về những vấn đề có liên quan đến những văn kiện nhân quyền đã được nước Úc phê chuẩn: Công Ước Quốc Tế về Quyền Công Dân và Chính Trị (ICCPR); Quy Ước vê Ðối Xử Phân Biệt trong Lãnh Vực Nhân Dụng và Nghề Nghiệp (Convention Concerning Discrimination in Respect of Employment and Occupation - ILO 111); Công Ước về Quyền của Trẻ Em; Tuyên Ngôn về Quyền của Trẻ Em; Tuyên Ngôn về Quyền của Người Chậm Phát Triển Trí Tuệ; và Tuyên Ngôn về việc Loại Trừ Mọi Hình Thức về Sự Cố Chấp và Ðối Xử Phân Biệt Dựa Trên Cơ Bản Tôn Giáo hoặc Tín Ngưỡng.


Khiếu Nại

Các Ðạo Luật Ðối Xử Phân Biệt Tuổi Tác, Khuyết Tật, Chủng Tộc và Giới Tính đều dựa trên những hiệp ước và hiệp định nhân quyền quốc tế đã được Úc phê chuẩn. Các đạo luật này bảo vệ con người khỏi nạn đối xử phân biệt hoặc sách nhiễu tại nơi làm việc và trong một số lãnh vực của đời sống công cộng vì lý do tuổi tác, chủng tộc, màu da, nguồn gốc, dân tộc hay sắc tộc nguyên thủy, giới tính, tình trạng thai nghén hay hôn nhân hoặc khuyết tật.

Quý vị có thể nộp đơn khiếu nại về việc đối xử phân biệt với Ủy Ban. Trước tiên, việc khiếu nại được thẩm định để bảo đảm sự việc thuộc thẩm quyền điều tra của Ủy Ban chiếu theo các đạo luật này. Hồ sơ khiếu nại sau đó sẽ được xem xét để đi đến quyết định là khép lại hồ sơ hoặc giải quyết bằng việc hòa giải.

Hòa giải là tiến trình mà Ủy Ban dàn xếp cho các bên liên hệ - người khiếu nại và người hoặc tổ chức bị khiếu nại - ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề. Hòa giải là một tiến trình bảo mật nơi hai bên liên hệ có cơ hội nói về những vấn đề dẫn đến việc khiếu nại và tiến đến một sự thỏa thuận. Rất nhiều vụ khiếu nại đã được giải quyết bằng con đường hòa giải.

Nếu biện pháp hòa giải không giải quyết được sự việc, Chủ Tịch Ủy Ban sẽ kết thúc vụ khiếu nại. Người khiếu nại sau đó có thể đưa sự việc ra Tòa Án Liên Bang hoặc Dịch Vụ Thẩm Phán Liên Bang xét xử. Ngoài ra Ủy Ban cũng có thể điều tra những vụ khiếu nại về đối xử phân biệt trong lãnh vực nhân dụng và vi phạm nhân quyền chiếu theo nội dung Luật Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Ðẳng.

Ðạo luật này bao gồm:

* những cáo buộc cho rằng Chính Phủ Liên Bang (chẳng hạn như một bộ nào đó thuộc Chính Phủ Liên Bang) đã có những hành động vi phạm nhân quyền so với những tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận

* đối xử phân biệt trong lãnh vực nhân dụng dựa vào một số nguyên cớ như tôn giáo, nguyện vọng về giới tính, quan điểm chính trị, sinh hoạt công đoàn và hồ sơ tội phạm.

Những khiếu nại nằm trong phạm vi quy định của đạo luật này cũng có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa giải giữa các bên liên hệ. Nếu sự việc không thể giải quyết được bằng hòa giải và không bị gián đoạn vì những lý do khác được quy định trong đạo luật này thì Ủy Ban sẽ phúc trình lên Quốc Hội Liên Bang báo cáo sơ lược những vấn đề then chốt và đề nghị một số biện pháp giải quyết vụ khiếu nại. Những khiếu nại này không có bất kỳ quyền gì về mặt pháp lý có thể cưỡng chế được.

Giáo Dục

Một trong những chức năng trung tâm của Ủy Ban là quảng bá sự nhận thức về nhân quyền ở Úc - từ trường học đến doanh nghiệp và kỹ nghệ, từ các nhóm cộng đồng đến chính phủ. Nội dung quảng bá bao gồm sự nhận thức về những quyền lợi và trách nhiệm của người dân chiếu theo các đạo luật chống đối xử phân biệt của chính phủ liên bang.

Thông điệp chính trong các chương trình giáo dục của chúng tôi là: loại bỏ đối xử phân biệt và sách nhiễu là bước cần thiết để bảo đảm một xã hội khoan dung và công bằng, một xã hội mà mọi người dân Úc có thể thụ hưởng các quyền của họ.

Ðể có thể truyền đạt tới mọi tầng lớp trong xã hội, Ủy Ban:

* làm việc với giáo viên và học sinh để phát triển các môn học có liên quan đến giáo trình sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến, CD-ROMs và DVD

* làm việc với các nhà nhân dụng để cung cấp thông tin và nguồn lực nhằm giảm thiểu tình trạng đối xử phân biệt và sách nhiễu tại nơi làm việc

* làm việc với các nhóm cộng đồng để cung cấp thông tin và nguồn lực nhằm trợ giúp công việc của họ

* làm việc với các thành viên trong ngành pháp lý, tổ chức các cuộc hội thảo và phát hành các thông tin cập nhật vê các vấn đề pháp lý nhân quyền

* tổ chức các hội nghị và sự kiện, chẳng hạn như lễ trao tặng Bằng Tưởng Thưởng và Huân Chương Nhân Quyền thường niên.

Ngoài ra, Chủ Tịch và các Ủy Viên trong Ủy Ban còn cố gắng giao tiếp tối đa với giới truyền thông nhằm quảng bá và tranh luận những đề tài quan trọng về nhân quyền và đối xử phân biệt.

Ủy Ban có thiết lập một khu mạng toàn diện, dễ sử dụng bao gồm những thông tin và nguồn lực cho các cá nhân, trường học, nhà nhân dụng và các nhóm cộng đồng. Ngoài ra Ủy Ban cũng có nhiều ấn phẩm các loại.

Truy cập khu mạng của HREOC tại: http://www.humanrights.gov.au

Chi tiết liên lạc và thông tin bổ túc

Ðịa Chỉ:
Level 8, Piccadilly Tower
133 Castlereagh Street
Sydney NSW 2000

Ðịa Chỉ Thư Tín:
GPO Box 5218
Sydney NSW 2001

Ðiện Thoại:
(02) 9284 9600
1300 369 711
Fax:
(02) 9284 9611
TTY:
1800 620 241

Web: http://www.humanrights.gov.au


Giải đáp thắc mắc: 1300 369 711

Phiếu Ðặt Ấn Phẩm: http://www.humanrights.gov.au/publications

Ðường Dây Thông Tin về Khiếu Nại: 1300 656 419

Thông Tin Khiếu Nại Trực Tuyến:
http://www.humanrights.gov.au/complaints_information


Trích website:
http://www.humanrights.gov.au/about/languages/index.html

No comments:

Post a Comment