Tuesday, June 30, 2009

Bản Dự Thảo Nội Quy của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Úc Châu

Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Úc Châu
(COMMUNITY OF THE VIETNAMESE REFUGEES IN AUSTRALIA)
http://nguoiviettynan.blogspot.com/
Email: luathieng.sydney@gmail.com
P.O.Box 225 Cabramatta NSW 2166 Australia
Tel: +61 451 207 512

DỰ THẢO NỘI QUY


Nhận định rằng:
Từ cuối thập niên 80, đứng trước sự sụp đổ của hệ thống các nước Cộng Sản và không còn chỗ dựa, nhà cầm quyền Hà Nội đã từ từ mở cửa Việt Nam để hội nhập với thế giới bên ngoài. Sau khoảng 20 năm, đất nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi về mọi mặt bao gồm đời sống, nhận thức con người, kinh tế, văn hoá, giáo dục. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn lọc lừa, xảo quyệt, dùng sức mạnh của công an, quân đội, liên kết với nhau như một phe đảng Mafia. Họ dựa vào những huyền thoại công trạng chống ngoại xâm không có thật, để bám lấy chính quyền, làm giàu cho cá nhân, dòng họ, phe nhóm mình, mặc kệ cho những nghèo đói, bất công, thảm cảnh xã hội ngày càng phổ biến. Ngày nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam không những cản trở con đường tiến bộ đi lên của dân tộc mà còn đang bán rẻ quyền lợi đất đai, hầm mỏ tài nguyên, môi trường sinh sống và an ninh của đất nước để giữ vững chỗ ngồi của mình.

Trước hoàn cảnh hiện tại của đất nước, là những người Việt sinh sống ở hải ngoại, chúng ta cần làm gì?
Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Úc Châu được thành lập và hoạt động để đáp ứng nguyện vọng của đa số những người Việt tỵ nạn đang sinh sống tại Úc.

Bản Dự Thảo Nội Quy của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Úc Châu (CĐNVTN/UC)
gồm có 7 chương với 30 điều khoản.

DỰ THẢO NỘI QUY CHƯƠNG I , II & III

CHƯƠNG I DẪN NHẬP

Điều 1: Cơ cấu tổ chức:

CĐNVTN/UC là cơ cấu tổ chức tập thể những thành viên tự xác nhận là người Việt tỵ nạn cộng sản đang sinh sống tại Úc.

CĐNVTN/UC đứng độc lập ngoài các đảng phái, tổ chức tôn giáo và các tổ chức, đoàn thể khác tại Úc.

Điều 2: Lập trường và mục tiêu hoạt động:

2.1: Không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và bất cứ chế độ độc tài nào áp đặt lên cho dân tộc và trên đất nước Việt Nam dù dưới bất cứ hình thức nào.

2.2: Góp phần tranh đấu để mang lại dân chủ tự do, công bằng xã hội và quyền lợi của dân nghèo tại Việt Nam ngõ hầu xây dựng một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

2.3: Giúp đỡ người Việt tại Úc hội nhập vào xã hội Úc, góp phần xây dựng và phát triển một nước Úc đa văn hoá.

CHƯƠNG II ĐIỀU HÀNH

Điều 3: Lãnh đạo
Thành viên của CĐNVTN/UC chấp nhận sự lãnh đạo của Ban Điều Hành (BĐH) CĐNVTN/UC trong cơ cấu đã nêu tại điều 1 của bản nội quy này. Đồng thời cũng chấp nhận Ban Giám Sát của CĐNVTN/UC là cơ cấu để bảo vệ nội quy và giám sát hoạt động của BĐH CĐNVTN/UC.

Điều 4: Thực hiện dân chủ
Mọi thành viên đều có quyền tham gia vào công việc chung của Cộng Đồng trên tinh thần của Bản Nội Quy này.


CHƯƠNG III THÀNH VIÊN

Điều 5: Thành viên chính thức và Thành viên tán trợ:

5.1: Thành viên chính thức:
Là những người Việt tỵ nạn cộng sản từ 18 tuổi trở lên xin ghi danh gia nhập CĐ và được BĐH chấp thuận.

5.2: Thành viên tán trợ:
Tất cả những người Việt có nguồn gốc tỵ nạn sinh sống tại Úc đều có thể là Thành viên tán trợ, có quyền đóng góp trong các sinh hoạt của cộng đồng.

Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên chính thức:

6.1: Nhiệm vụ
a.Tích cực tham gia và đóng góp trong các công tác của Cộng Đồng.
b.Tham dự Đại Hội Thường Niên và những phiên họp Cộng Đồng.
c.Đóng niên liễm theo quy định.

6.2: Quyền hạn:
a.Tham gia ứng cử và bầu cử Ban Điều Hành và Ban Giám Sát.
b.Chất vấn BĐH và BGS khi cần làm sáng tỏ 1 vấn đề.
c.Xử dụng các phương tiện và cơ sở của Cộng Đồng.

Điều 7: Gia nhập:

7.1: Những người muốn gia nhập phải điền vào phiếu ghi danh và ký tên.

7.2: BĐH có nhiệm vụ duyệt xét phiếu ghi danh gia nhập trong vòng 1 tháng tính từ ngày nộp phiếu ghi danh. Phiếu ghi danh gia nhập sẽ được chấp thuận khi toàn thể thành viên trong BĐH biểu quyết thông qua.

7.3: Người ghi danh gia nhập bị bác đơn có thể khiếu nại với Ban Giám Sát (BGS). BGS phải trả lời trong vòng 15 ngày cho người bị bác phiếu ghi danh.

Điều 8: Ngưng sinh hoạt:
Thành viên muốn ngưng sinh hoạt bất cứ vì lý do gì phải thông báo cho BĐH biết.

Điều 9: Kỷ luật:
9.1: Khi thành viên có hành động, lời nói, bài viết đi ngược lại Bản Nội Quy, hay làm mất danh dự, quyền lợi của Cộng Đồng.Vấn đề kỷ luật được đặt ra nếu có sự phát giác và yêu cầu của:
-1 thành viên trong BĐH hay
-1 thành viên trong BGS hoặc
-1/3 thành viên của Cộng Đồng.

9.2: Ban Điều Hành có nhiệm vụ triệu tập Đại Hội bất thường để xét vấn đề kỷ luật đối với thành viên đó như quy định của điều 11.1 của Bản Nội Quy.

Thành viên này sẽ bị mất tư cách thành viên khi 3/4 tổng số thành viên tham dự Đại Hội biểu quyết thông qua.
9.3: Thành viên nào vắng mặt 2 kỳ Đại Hội thường niên liên tiếp không có lý do chính đáng xem như tự ý ngưng sinh hoạt và sẽ bị gạch tên khỏi danh sách thành viên. Nếu muốn tham gia lại, thành viên đó sẽ phải ghi danh gia nhập lại.

9.4: Thành viên nào không đóng niên liễm liên tiếp 2 năm sẽ đương nhiên bị gạch tên ra khỏi danh sách thành viên của Cộng Đồng.

Điều 10: Danh sách Thành viên chính thức:
10.1: Ban Điều Hành có nhiệm vụ cập nhật danh sách thành viên của CĐ và phải báo cáo số thành viên trước Đại Hội thường niên. Danh sách thành viên không công khai cho mọi người biết.

10.2: Thành viên cần thông báo cho BĐH biết khi thay đổi địa chỉ hay điện thoại liên lạc.

DỰ THẢO NỘI QUY CHƯƠNG IV

CHƯƠNG IV BAN ĐIỀU HÀNH

Điều 11: Đại diện
Ban Điều Hành (BĐH) CĐNVTN / ÚC CHÂU là cơ cấu đại diện chính thức cho CĐNVTN/UC, được các thành viên chính thức và tán trợ bầu lên theo quy định của điều 12.2, khoản c.
11.1: Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Điều Hành
a. Điều hành các công tác của CĐ, tổ chức các sinh hoạt kỷ niệm và truyền thống.
b. Theo dõi và kiểm soát việc điều hành các công việc hành chánh của văn phòng CĐ.
c. Cùng với Ban Giám Sát chịu trách nhiệm tuyển chọn thành viên làm việc trong văn phòng của CĐ.
d. Tham khảo ý kiến với BGS về các vấn đề đối nội và đối ngoại.
e. Đại diện chính thức cho CĐ trong mọi công tác.
f. Thi hành những quyết định trong Đại Hội của CĐ.
g. Quản trị tài chánh và những cơ sở vật chất của CĐ.
h. Báo cáo định kỳ và bất thường về tài sản trước Đại Hội Thường Niên.
i. Công khai kết quả tài chánh của những lần tổ chức gây qũy trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ chậm nhất là 3 tuần sau đó.

11.2: Thành phần Ban Điều Hành CĐNVTN/UC (BĐH/CĐ)
* Điều Hành Trưởng: Chịu trách nhiệm theo dõi và kiểm soát việc điều hành của văn phòng CĐ và những công tác trong CĐ. Điều Hành Trưởng là người đại diện chính thức cho CĐ trong mọi công việc.
* Phó Điều Hành Nội Vụ : Phụ tá cho Điều Hành Trưởng trong những công tác nội vụ.
* Phó Điều Hành Ngoại Vụ : Phụ tá cho Điều Hành Trưởng trong những công tác ngoại vụ.
* Thư ký: Soạn thảo văn thư, cập nhật danh sách Thành Viên, lập và lưu trữ biên bản các buổi họp của Ban Điều Hành và Đại Hội.
* Thủ qũy: Chịu trách nhiệm trong việc chi thu của CĐ, lưu trữ những chứng từ tài chánh, cập nhật và báo cáo tài chánh trong Đại Hội Thường Niên hay khi có yêu cầu của Ban Giám Sát.

Tùy theo tình hình thực tế, Điều Hành Trưởng CĐ có thể cử thêm những ủy viên để cùng làm việc chung trong BĐH.
*Ủy viên Tổ Chức: phụ giúp BĐH tổ chức các sinh hoạt và công tác của CĐ.
*Ủy viên Kế hoạch: phụ giúp BĐH lập kế hoạch thực hiện các công tác của CĐ.
*Ủy viên Xã Hội: phụ giúp BĐH lo về các vấn đề xã hội.
*Ủy viên Thể Dục Thể Thao ...v v

Điều 12: Nhiệm kỳ, Ứng cử và Bầu cử Ban Điều Hành CĐNVTN/UC
Nhiệm kỳ của Ban Điều Hành là 2 năm, sau khi hoàn tất thủ tục bàn giao cho BĐH mới như trong điều 12.5 là mãn nhiệm.
12.1: Ứng cử:
a. Mọi thành viên trong CĐNVTN/UC từ 18 tuổi trở lên, không can án hình sự đều có quyền ứng cử.
b. Ứng cử theo thể thức liên danh cho 5 chức vị:
* Điều Hành Trưởng
* Phó Điều Hành Nội Vụ
* Phó Điều Hành Ngoại Vụ
* Thư ký
* Thủ qũy
c. Tư cách của ứng viên chỉ được chấp thuận theo điều 23.2 khoản b của Bản Nội Quy.

12.2: Bầu Cử :
a. Ban Giám Sát đương nhiệm sẽ đảm nhận công việc tổ chức và giám sát việc bầu cử Ban Điều Hành.
b. Trước Đại Hội Bầu Cử Ban Giám Sát phổ biến thông báo về cuộc bầu cử.
c. Bầu cử theo thể thức trực tiếp và kín.

12.3: Kết quả bầu cử: Liên danh nào có số phiếu cao nhất sẽ được công nhận đắc cử.

12.4: Các trường hợp ngoại lệ:
a. Nếu không có liên danh nào hoặc chỉ có 1 liên danh ứng cử thì Đại Hội Bầu Cử sẽ được dời lại 3 tháng sau.
b. Đến kỳ Đại Hội Bầu Cử kế tiếp nếu vẫn chỉ có 1 liên danh ứng cử, liên danh này phải đạt trên 3/4 tổng số phiếu bầu.
c. Đến kỳ ĐH BC kế tiếp mà vẫn không có liên danh nào ứng cử. BĐH hiện thời sẽ lưu nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ nữa.

12.5: Thủ tục bàn giao giữa 2 BĐH cũ và mới phải hoàn tất trong vòng 1 tháng kể từ khi có kết quả bầu cử.

Điều 13: Họp Ban Điều Hành
13.1: BĐH sẽ hop thường xuyên mỗi tháng một lần để bàn thảo về các công tác cần thiết. Khi có việc cần kíp, Điều Hành Trưởng sẽ triệu tập một buổi họp bất thường.

13.2: Mỗi tam cá nguyệt, Điều Hành Trưởng sẽ tổ chức một buổi họp chung giữa Ban Giám Sát và Ban Điều Hành.

Điều 14: Bổ túc nhân sự
14.1: Trong trường hợp vị Điều Hành Trưởng (ĐHT) không còn đảm nhiệm được chức vụ bất cứ vì lý do gì. Vị Phó Điều Hành Nội Vụ sẽ thay thế đảm nhiệm chức ĐHT cho đến hết nhiệm kỳ. Trong trường hợp cả 2 vị trên đều không còn đảm nhiệm được chức vụ, vị Phó Điều Hành Ngoại Vụ sẽ đảm nhiệm chức ĐH Trưởng.

14.2: Trong trường hợp toàn thể BĐH, hoặc cả vị ĐHT lẫn 2 vị Phó ĐH đều không còn đảm nhiệm được chức vụ, Ban Giám Sát (BGS) sẽ tạm thời xử lý thường vụ trong việc điều hành CĐ, và xúc tiến việc bầu cử BĐH mới trong vòng 1 tháng.

14.3: Trường hợp đã nêu ở khoản 14.2, nếu xảy ra trong vòng 3 tháng trước Đại Hội Bầu Cử, Ban Giám Sát sẽ xử lý thường vụ trong việc điều hành CĐ cho đến khi Đại Hội Bầu Cử theo đúng thời hạn quy định.

14.4: Ngoài chức vụ ĐH Trưởng, khi khuyết những nhân sự khác trong BĐH, BĐH sẽ tuyển chọn nhân sự thay thế sau khi hội ý với Ban Giám Sát.

Điều 15: Về việc bất tín nhiệm Ban Điều Hành CĐNVTN/UC
15.1: Về việc bất tín nhiệm đối với toàn thể, hoặc một hay nhiều thành viên trong BĐH/CĐ vì lý do có những hành động, lời nói, bài viết đi ngược lại cương lĩnh của Nội Quy, hay làm mất danh dự và quyền lợi của CĐ, chỉ được đặt ra khi có :
a. Một thành viên trong BĐH yêu cầu.
b. Một thành viên trong BGS yêu cầu.
c. Ít nhất 1/3 tổng số thành viên gửi đơn yêu cầu.

15.2: Ban Giám Sát có nhiệm vụ triệu tập Đại Hội Bất Thường (ĐHBT) trong vòng 3 tuần lễ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu.

15.3: Trong trường hợp không đủ 3/4 tổng số thành viên chính thức như đã quy định trong điều 24, ĐH BT lần thứ hai sẽ được tổ chức trong vòng 4 tuần lễ. Trong ĐH BT này, vấn đề số lượng thành viên sẽ không được đặt ra, với điều kiện là tất cả nhưng thành viên đã ký tên vào đơn yêu cầu bất tín nhiệm phải có mặt đầy đủ.

15.4: Quyết định bất tín nhiệm sẽ có giá trị nếu được biểu quyết đồng thuận bởi ít nhất 3/4 thành viên hiện diện trong Đại Hội Bất Thường.

DỰ THẢO NỘI QUY CHƯƠNG V

CHƯƠNG V BAN GIÁM SÁT

Điều 16: Nhiệm vụ và quyền hạn
BGS / CĐNVTN/UC là cơ cấu đại diện cho các thành viên của CĐ, và được bầu lên theo qui định của điều17.3

16.1: Nhiệm vụ và quyền hạn của BGS / CĐNVTN/UC :
a. Bảo vệ Nội Quy của CĐNVTN/UC
b. Giám sát đường lối, chính sách và hoạt động của Ban Điều Hành CĐNVTN/UC.
c. Kiểm soát tài sản của CĐ (hiện kim và hiện vật) theo định kỳ hàng năm hoặc bất thường khi cần thiết.
d. Phối hợp với Ban Điều Hành CĐ trong việc tuyển chọn các nhân viên làm việc trong Văn Phòng CĐ.
e. Đảm nhiệm việc tổ chức bầu cử Ban Điều Hành CĐNVTN/UC.
f. Đóng vai trò trọng tài thiên về hòa giải hàn gắn giữa các Thành Viên mỗi khi có tranh chấp.
g. Duyệt xét tư cách hợp tiêu chuẩn của các thành viên, thi hành các biện pháp chế tài các thành viên như đã qui định trong điều 9, thành lập danh sách các thành viên CĐ.
h. Duyệt xét tư cách hợp tiêu chuẩn của các ứng viên làm phiếu ghi danh gia nhập CĐNVTN/UC như đã qui định trong điều 7.
i. Vị Trưởng Ban GS đồng chủ tọa các buổi Đại Hội cùng với vị Điều Hành Trưởng CĐ.
j. Trong trường hợp khủng hoảng nhân sự như đã ghi trong điều 14.2 và 14.3, BGS sẽ tạm thời xử lý thường vụ việc điều hành CĐ, và vị Trưởng Ban GS sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ Điều Hành Trưởng CĐ.

16.2: Biện pháp chế tài đối với Ban Điều Hành CĐ.
a. Khi nhận thấy BĐH hành xử sai với tinh thần của Nội Quy, hoặc không có phản ứng thích đáng đối với một tình huống đặc biệt nào đó xảy ra trong CĐ, BGS sẽ lên tiếng khuyến cáo qua một văn kiện chính thức gởi cho vị Điều Hành Trưởng.
b. BĐH sẽ gởi văn kiện trả lời, hoặc tùy trường hợp gởi thơ ấn định ngày giờ cùng địa điểm mở một buổi họp trong vòng 2 tuần lễ giữa BĐH và BGS để cùng trao đổi quan điểm và giải quyết vấn đề.
c. Trong trường hợp không giải quyết được vấn đề trong buổi họp chung, BGS sẽ triệu tập một Đại Hội Bất Thường để trình bày toàn bộ vấn đề và yêu cầu Đại Hội giải quyết.

16.3: Thành phần BGS.
BGS do Đại Hội bầu lên theo điều 17 của Nội Quy, gồm 5 vị, mỗi vị luân phiên làm Trưởng Ban 1 chu kỳ, thời gian 4 hoặc 5 tháng trong suốt nhiệm kỳ qui định.

Điều 17: Nhiệm kỳ, Ứng cử, Bầu cử.
17.1: Nhiệm kỳ của BGS là 2 năm, và mãn nhiệm cùng lúc với BĐH CĐ.

17.2: Ứng cử: mọi thành viên thuộc CĐNVTN/UC từ 18 tuổi trở lên, không can án hình sự và có lập trường không đi ngược lại điều 2 của bản Nội Quy đều có quyền ứng cử, đề cử hoặc được đề cử vào BGS. Ứng cử hoặc đề cử sẽ theo thể thức đơn danh.

17.3: Bầu cử : Theo lối trực tiếp và kín.
* Trong kỳ Đại Hội Bầu Cử, các thành viên của CĐNVTN/UC sẽ bầu 5 thành viên của BGS.
* BGS đương nhiệm sẽ phụ trách việc kiểm phiếu và tuyên bố kết quả bầu cử.
* 5 Ứng viên đạt được số phiếu cao nhất được bầu vào BGS. Các thành viên BGS sẽ luân phiên đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban theo thứ tự số phiếu được bầu.
* Các ứng viên có số phiếu bầu thấp hơn sẽ được liệt kê trong danh sách dự khuyết do BGS lưu giữ để dùng bổ túc sau này khi cần thiết, như đã qui định trong điều 19.
* Vị Trưởng Ban GS sẽ lo việc thực hiện và lưu giữ biên bản các buổi họp của BGS. Các thành viên còn lại sẽ được phân nhiệm tùy theo nhu cầu.

17.4: Thủ tục bàn giao giữa tân và cựu BGS sẽ phải hoàn tất trong thời gian 2 tuần lễ sau khi có kết quả bầu cử.

Điều 18: Họp BGS
18.1: BGS họp thường xuyên mỗi tháng một lần. Mỗi khi có việc cần kíp, vị Trưởng Ban GS sẽ triệu tập một phiên họp bất thường.

18.2: Mỗi tam cá nguyệt sẽ có một cuộc họp chung giữa BGS và BĐH CĐ.

Điều 19: Bổ túc nhân sự.
19.1: Nếu vị Trưởng Ban GS không thể tiếp tục đảm đương chức vụ bất cứ vì lý do gì, thành viên đã được chỉ định đảm nhiệm Trưởng Ban chu kỳ kế tiếp sẽ thay thế.

19.2: Nhân sự khiếm khuyết sẽ được bổ sung theo thứ tự ưu tiên trong danh sách bổ túc như đã qui định trong điều 17.3

Điều 20: Vấn đề bất tín nhiệm đối với BGS
20.1: Vấn đề bất tín nhiệm đối với toàn thể, hoặc một hay nhiều cá nhân trong BGS vì có những hành động, lời nói, bài viết đi ngược lại tinh thần điều 2 của Nội Quy, hay làm thiệt hại đến danh dự hoặc quyền lợi của CĐNVTN / UC được đặt ra khi :
- Có trên 1/3 tổng số Thành Viên của CĐ yêu cầu hoặc,
- Có một Thành Viên của BGS yêu cầu hay,
- Có một thành viên của BĐH yêu cầu.

20.2: Thời hạn tổ chức Đại Hội Bất Thường (ĐHBT).
- Trong thời gian 2 tuần sau khi nhận đơn yêu cầu Điều Hành Trưởng có nhiệm vụ triệu tập ĐHBT để giải quyết.
- Quá hạn định nêu trên mà vị ĐHT vẫn chưa triệu tập ĐHBT, vị Phó ĐH Nội Vụ có nhiệm vụ triệu tập ĐHBT trong vòng 7 ngày, và sẽ đồng chủ tọa ĐHBT với vị ĐH Trưởng.
- Quá hạn định nêu trên mà vị Phó Điều Hành Nội Vụ vẫn chưa triệu tập ĐHBT, một TV của BGS hoặc 1/3 tổng số TV sẽ đặt vấn đề bất tín nhiệm và đứng ra triệu tập ĐHBT. Trong trường họp này ĐHBT sẽ bầu ra một vị để đồng chủ tọa buổi họp với vị Điều Hành Trưởng.
20.3: Quyết định bất tín nhiệm đối với một hay nhiều Thành Viên của BGS sẽ có gía trị nếu được biểu quyết đồng thuận bởi ít nhất 3/4 tổng số TV hiện diện trong ĐHBT.

Monday, June 29, 2009

DỰ THẢO NỘI QUY CHƯƠNG VI & CHƯƠNG VII

CHƯƠNG VI PHIÊN HỌP CỘNG ĐỒNG VÀ CÁC ĐẠI HỘI

Điều 21: Phiên Họp Cộng Đồng
21.1: BĐH/CĐ sẽ triệu tập và chủ tọa một Phiên Họp Cộng Đồng khi cần mời gọi sự cộng tác của các Thành Viên để tổ chức những sinh hoạt truyền thống, xã hội hoặc những công tác cộng đồng khác, hay trong những trường hợp đặc biệt cần tham khảo chung với các Thành Viên để có phản ứng và quyết định gấp.

21.2: BĐH sẽ loan báo chi tiết Phiên Họp CĐ tới các TV qua thư hoặc điện thoại.

21.3: Mọi quyết định của những phiên họp CĐ sẽ có giá trị thi hành khi được biểu quyết chấp thuận bởi ít nhất 3/4 tổng số TV có mặt tham dự.

21.4: Thư Ký có nhiệm vụ lập và giữ biên bản của những phiên họp CĐ.

Điều 22: Đại Hội Thường Niên (ĐHTN)
22.1: ĐHTN do Ban Điều Hành CĐNVTN/UC triệu tập vào ngày Chúa nhật cuối tháng 7 dương lịch mỗi năm.

22.2: Trong ĐHTN, Ban Điều Hành CĐ sẽ báo cáo những hoạt động trong năm vừa qua, tình hình chi tiết tài chính và kết quả duyệt xét của kế toán viên đối với việc chi thu của các tài khoản trợ cấp cùng các tài khoản đóng góp, đồng thời trình bày kế hoạch cho năm tới. BĐH sẽ giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc và chất vấn của các Thành Viên.

22.3: Thư Ký BĐH / CĐ có nhiệm vụ thực hiện và lưu giữ một cuốn sổ biên bản để ghi chép quyết định của các Đại Hội cùng danh sách tất cả các Thành Viên tham dự Đại Hội đó. Biên Bản này được lập ngay sau khi Đại Hội chấm dứt, và sẽ được ký bởi vị Thư Ký với sự duyệt khán của 2 vị Điều Hành Trưởng và Trưởng Ban Giám Sát.

Điều 23: Đại Hội Bầu Cử (ĐHBC)
23.1: Mỗi 2 năm 1 lần BGS có nhiệm vụ tổ chức ĐHBC như điều khoản 16.1 e qui định.

23.2: Nhiệm vụ của BGS trong kỳ ĐHBC :
a. Tổ chức bầu Ban Điều Hành và Ban Giám Sát CĐ của nhiệm kỳ tới.
b. Duyệt xét tư cách ứng cử của các Thành viên/liên danh ứng cử để bảo đảm những ứng viên này có lập trường và quá khứ không đi ngược lại tinh thần của điều 2 bản Nội Quy.
c.Chấp nhận và giới thiệu các Liên danh ứng cử.
d. Sắp xếp lịch trình cho các Liên Danh ứng cử có cơ hội trình bày đường lối hoạt động của mình trước Đại Hội và trả lời các câu hỏi và thắc mắc của các Thành Viên tham dự Đại Hội.
e. Kiểm soát đầu phiếu, kiểm phiếu và tuyên bố các kết quả bầu cử.

Điều 24: Đại Hội Bất Thường (ĐHBT)
24.1: BĐH có thể triệu tập ĐHBT khi có vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh hoạt Cộng Đồng, tham khảo ý kiến các Thành Viên để cùng tìm kế sách đối phó.

24.2: BGS có thể triệu tập ĐHBT khi xét thấy cần có biện pháp kỷ luật đối với một Thành Viên.

24.3: BGS và một số Thành Viên có thể yêu cầu triệu tập ĐHBT để giải quyết vấn đề bất tín nhiệm đối với BĐH hoặc đối với BGS, hoặc vấn đề kỷ luật đối với một thành viên.

CHƯƠNG VII NHỮNG ĐIỀU KHOẢN QUI ĐỊNH KHÁC

Điều 25: Bảo Hiểm
Ban Điều Hành CĐNVTN/UC phải bảo hiểm hàng năm theo đúng tinh thần của phần 44 trong đạo luật lập hội của tiểu bang/liên bang nơi CĐ đặt cơ sở.

Điều 26: Qũy hoạt động
26.1: Những tài khoản do những cơ quan chính phủ tài trợ.

26.2: Tài khoản riêng của CĐ gây được do niên liễm, những hoạt động gây qũy của CĐ và tiền đóng góp thiện nguyện của các nhà hảo tâm.

Điều 27: Cơ sở của CĐ
a. Ban Điều Hành chịu trách nhiệm quản lý và điều hành các cơ sở của CĐ
b. Hiện vật của CĐ phải được BĐH/CĐ thường xuyên kiểm tra và cập nhật để tránh hư hao, mất mát.

Điều 28: Tu chính Nội Quy.
28.1: Các điều khoản trong bản Nội Quy này, trừ điều 1 và điều 2, có thể được đem ra thảo luận để tu chính.

28.2: BĐH, BGS, hoặc ít nhất 1/2 tổng số Thành Viên đều có thể đề nghị tu chính điều khỏan trong Nội Quy.

28.3: Đề nghị sẽ được thông qua khi có ít nhất 3/4 tổng số Thành Viên có mặt trong Đại Hội biểu quyết chấp thuận.

Điều 29: Hiệu lực
Bản Nội Quy này có hiệu lực ngay sau khi được Đại Hội thảo luận và biểu quyết thông qua.

Điều 30: Hợp pháp
Sau khi bản Nội Quy CĐNVTN/UC hoàn tất, BĐH sẽ đại diện CĐ làm thủ tục đăng ký hợp pháp bản Nội Quy nơi cơ quan Fair Trading để thay thế cho Model Rules hiện tại.

Làm tại Sydney, ngày 05/06/2009
TM. BĐH lâm thời
Điều Hành Trưởng

Võ Văn Trung

Tuesday, June 23, 2009

NHỮNG CƠN ĐỊA CHẤN MẠNH

NHỮNG CƠN ĐỊA CHẤN MẠNH
VÀ CƠN HẤP HỐI TRONG TUYỆT VỌNG
CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM…

Có thể đây là một “cơn địa chấn” chính trị gần như cuối cùng tại Việt Nam đối với những tên Việt cộng đang nắm quyền chóp bu của đảng CSVN. Bởi vì vào ngày 13.6.2009 mới đây thôi, luật sư Lê Công Định đã bị “bắt khẩn cấp” với cáo buộc là “có hành vi chống phá nhà nước”. “Cơn địa chấn” bắt Lê Công Định này đã gây ra một sự bàng hoàng và tức giận của những người yêu nước, yêu tự do dân chủ tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại và nó cũng đã khiến CSVN ngậm đắng nuốt cay dùng biện pháp vũ lực để đối phó. Chúng ta có thể xem hành động của CSVN là đang nằm trong tình trạng tuyệt vọng và hấp hối với nổ lực ngăn chận hòng dập tắt sự phản kháng của giới trí thức Việt Nam.

Nói đến những “cơn địa chấn”tại Việt Nam trong thời gian gần đây, chúng ta biết rằng có thể nó đã bắt nguồn từ “cơn địa chấn tham nhũng”khổng lồ của con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến ở Bộ Giao Thông Vận Tải PMU 18. Đây là những đảng viên bất tài của CSVN thi nhau bòn rút tài nguyên của đất nước. Tỷ lệ thất thoát vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 30% và thậm chí còn cao hơn nữa. Với trên 33 ngàn tỷ vốn đầu tư, nếu chỉ tính với một con số thấp nhất là 10% thôi, thì số tiền đã bị bọn chúng đánh cắp là khoảng 3300 tỷ đồng VN…

Nhận thấy vụ án tham nhũng này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền cai trị người dân, bọn chóp bu CSVN liền phát động chiến dịch chống tham nhũng giả tạo hòng trấn an và xoa dịu dư luận trong và ngoài nước. Thế là báo chí trong nước vào cuộc. Để chứng minh lời nói, CSVN đã bắt hai tên chóp bu trong Bộ GTVT PMU 18 nêu trên, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, CSVN đã thả tên Nguyễn Việt Tiến, phục hồi đảng viên và bắt hai ký giả của hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên với tội danh là đưa tin không chính xác nhằm mục đích nhận chìm xuồng vụ án tham nhũng động trời này.

Thế rồi sau đó, hàng loạt những “cơn địa chấn chính trị” khác nổi lên và gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho đất nước và người dân Việt Nam, đã khiến cho những tên chóp bu Việt cộng đang ăn trên ngồi chốc ở Việt Nam phải ra sức đối phó trong cơn hấp hối và tuyệt vọng. Từ những “cơn địa chấn” loại trung như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh, nhạc sĩ Tô Hải với “Hồi ký của một thằng hèn”…cho đến hai “cơn địa chấn” mạnh nhất là bọn Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và khai thác quặng mỏ Bauxite trong thời gian gần đây nhất đã gây ra thêm một “cơn địa chấn” khác là cộng đồng giáo xứ Thái Hà tham gia đấu tranh chuyện Bauxite đã khiến tất cả những con người có lòng yêu nước, quan tâm đến tiền đồ của dân tộc phải lên tiếng chống đối lại những “cơn địa chấn” đã nêu trên. Chưa hết, sau “cơn địa chấn” bắt luật sư Lê Cộng Định chỉ 3 ngày, lại một “cơn địa chấn” khác nổi lên. “Cơn địa chấn” lần này không phải do CSVN gây ra mà trái lại do tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà hoạt động xã hội có nguồn gốc danh giá và trong quá khứ cũng đã dám thực hiện những bước đi táo bạo như tự ứng cử vào chức Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin và tự ứng cử vào đại biểu quốc hội…với hành động đâm đơn kiện…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lạm dụng quyền hạn ra quyết định để thực hiện dự án khai thác quặng mỏ Bauxite ở Cao Nguyên và cùng một lúc hắn đã vi phạm đến 3 đạo luật về môi trường, qui trình vi phạm văn bản luật và về dự án đầu tư.

Đây cũng chính là một đòn giáng vào đầu Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Chính Trị khiến bọn chúng rất choáng váng. Tuy sự kiện chỉ mang tính chất cá nhân nhưng đã chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề là chưa có một người dân nào dám can đảm làm một chuyện tày đình như vậy. Trong cơn hấp hối và tuyệt vọng của CSVN trước những “cơn địa chấn” làm rúng động lương tâm thế giới, bọn chúng chỉ còn một cách duy nhất là rung cây nhát khỉ để ra lệnh bắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định và đồng thời bọn chúng cũng ra lệnh cho hàng loạt báo chí như báo điện tử VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ chỉ đăng tin tức với một giọng điệu cáo buộc tương tự như nhau… với ý đồ nhằm răn đe và lung lạc ý chí đấu tranh của những người khác đang chuẩn bị chống lại chúng với nhiều “cơn địa chấn” tiếp theo.

Chuyện nực cười, phản dân chủ cần lưu tâm đến là luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp vào trưa ngày 13.6 vừa qua theo điều 88 của Bộ Luật Hình Sự VN với cáo buộc “tội tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCH Việt Nam” là một điều vô lý. Bởi vì một người dân nào đó nhận thấy nhà cầm quyền đã áp dụng vũ lực đàn áp người dân, tỏ ra chuyên chính độc tài và tham nhũng thì người dân đó lên tiếng chống đối, phản kháng mà CSVN lại đưa tội này vào Bộ Luật Hình Sự? Phải khẳng định rằng đây là chuyện liên quan đến đấu tranh chính trị thì mới đúng hơn. Đây là một thủ đoạn đê hèn và vô cùng thâm độc của CSVN vẫn thường thực hiện trước đây.

Với những sự kiện vừa qua và mới đây, CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN ÚC CHÂU chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức dân chủ trên thế giới cần phải có biện pháp đối phó bằng cách là phát động phong trào và đẩy mạnh việc đấu tranh nhằm hổ trợ cho Phong Trào Dân Chủ trong nước một cách cụ thể là yểm trợ và đoàn kết với luật sư Lê Công Định và các nhà dân chủ khác đang bị bắt giữ. Chúng ta hãy tổ chức những cuộc biểu tình tại hải ngoại kêu gọi dư luận quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hãy nổ lực giúp đỡ Phong Trào Dân Chủ tại Việt Nam.
Chúng ta hãy đọc qua lời phát biểu của bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Hà Nội phải hổ thẹn khi bắt luật sư Lê Công Định”:

Luật sư Lê Công Định là người yêu nước. Ông đã từng bào chữa cho nhiều người đấu tranh dân chủ là luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Điếu Cày Hoàng Hải…Luật sư Lê Công Định đã viết rất nhiều bài để bày tõ long thiết tha yêu nước và kêu gọi đa nguyên chính trị để phát triển đất nước. Luật sư Định còn can đảm bác bỏ quan điểm của Thủ tướng Hà Nội Nguyễn Tấn Dũng khi ông ta nói rằng Việt Nam chưa cho phép báo chí tư nhân. Luật sư Định cũng lên tiếng về việc Bộ Chính Trị của đảng CSVN để mất quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng một phần lớn biển đông.

Ông còn mạnh mẽ phản đối kế hoạch khai thác mỏ Bauxite ở vùng Cao Nguyên Trung Phần. Luật sư Định cho rằng Bộ Chính Trị CSVN đã hèn nhát vì sợ hãi nên cúi đầu ngoan ngoãn cho Trung Cộng khai thác mỏ Bauxite tại cao nguyên VN…Tôi nghĩ rằng, giới lãnh đạo chế độ hiện nay chắc hẳn phải hổ thẹn khi ra lệnh bắt giữ luật sư Lê Công Định. Vì nếu họ không biết hổ thẹn thì họ không còn là người nữa. Hành động bắt giam luật sư Định đã cho chúng ta thấy Bộ Chính Trị một lần nữa đã thách thức cả thế giới khi họ tiếp tục chà đạp nhân quyền và những quyền căn bản của người dân Việt Nam .

Bắt giữ luật sư Định, chế độ Hà Nội đã rõ ràng muốn tiêu diệt những người đang tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Người Việt Nam trong và ngoài nước phải cần mạnh mẽ lên tiếng và phản đối đến cùng vụ bắt bớ ngang ngược này. Chúng ta phải lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản phải thả vô điều kiện và tức khắc luật sư Lê Công Định.

Đây là thời cơ ngàn năm có một. Nếu chúng ta biết vận dụng thời cơ để thúc đẩy phong trào cách mạng lên cao và nhất là các tổ chức chống cộng ở hải ngoại, hơn bao giờ hết hãy cùng nhau đoàn kết lại để hướng về quốc nội với những hành động đúng lúc, đúng mức và đúng chỗ. Thời cơ đã đến chớ chậm trễ để vuột mất. Chúng ta cần phải hợp lực để cùng nhau tạo ra những “cơn địa chấn” ào ạt khác nhằm gây ra những nỗi lo sợ kinh hãi cho bọn tay sai bán nước là những tên chop bu của CSVN và phải giật sập chế độ bất xứng, ươn hèn, tham nhũng và thối nát này.

BCH CĐ

BẢN LÊN TIẾNG Về việc CSVN bắt giữ Ls Lê Công Định trái luật.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN ÚC CHÂU

Chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức dân chủ trên thế giới cần phải có biện pháp đối phó bằng cách là phát động phong trào và đẩy mạnh việc đấu tranh nhằm hổ trợ cho Phong Trào Dân Chủ trong nước một cách cụ thể là yểm trợ và đoàn kết với luật sư Lê Công Định và các nhà dân chủ khác đang bị bắt giữ. Chúng ta hãy tổ chức những cuộc biểu tình tại hải ngoại kêu gọi dư luận quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hãy nổ lực giúp đỡ Phong Trào Dân Chủ tại Việt Nam.

BCH CĐ

Thursday, June 4, 2009

Hồ Chí Minh là ai ?

Mời qúy vị đón đọc trong vài ngày tới

Chào mừng qúy vị đến với Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Úc Châu

Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Úc Châu
(COMMUNITY OF THE VIETNAMESE REFUGEES IN AUSTRALIA)
http://nguoiviettynan.blogspot.com/
Email: luathieng.sydney@gmail.com
P.O.Box 225 Cabramatta, NSW 2166 Australia
Tel: +61 451 207 512

Thư ngỏ

Kính thưa qúy vị,

Thấm thoát đã gần 35 năm trôi qua kể từ ngày 30.4.1975. Cái mốc 35 năm người Việt tỵ nạn bị mất nước
và định cư khắp nơi trên thế giới mà chắc hẳn ai ai cũng biết.

Trong suốt thời gian dài trên 3 thập niên qua, đã có biết bao nhiêu Cộng đồng, Hội đoàn và Đoàn thể của người Việt được thành lập ra nhưng đa số đều hoạt động với tính cách kỷ niệm
nhiều hơn là đấu tranh mang lại tự do, dân chủ cho toàn dân Việt Nam.

Nay, CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN ÚC CHÂU được thành lập để khẳng định lẫn vinh danh hai chữ Tỵ Nạn đã được cơ quan Liên Hiệp Quốc công nhận và các đệ tam quốc gia tự do đón nhận, đồng thời xác định lập trường đấu tranh chống lại sự bất công, tham nhũng, độc tài và độc đảng
của chủ nghĩa cộng sản đang áp đặt lên đời sống của người dân và trên tổ quốc Việt Nam.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN ÚC CHÂU được ra đời bởi vì nhận thấy tiền đồ của dân tộc và tổ quốc đang từ từ bị mất dần, bởi những nguy cơ đang bị Trung Cộng với mưu đồ bành trướng, bằng thế lực từ chuyện lấn chiếm đất đai nơi biên giới phía Bắc cho đến biển Đông. Mới đây nhất, họ đã âm mưu dày xéo đất đai và tài nguyên tại vùng Tây nguyên Việt Nam. Tất cả những sự việc này đều do thủ phạm là
tập đoàn Cộng Sản Việt Nam nhu nhược và tham lam.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN ÚC CHÂU cũng nhận định rằng, nếu tập thể người Việt tỵ nạn chân chính không có những hành động cụ thể hơn nữa về văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam tại hải ngoại, nơi chúng ta đang sinh sống thì e rằng thế hệ kế tiếp của chúng ta sẽ bị mai một và đồng hóa
như những người bản địa trên khắp thế giới.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN ÚC CHÂU rất mong muốn đoàn kết với các tổ chức tôn giáo, đảng phái chính trị, hội đoàn tại Úc và trên thế giới. Chúng tôi tha thiết kêu gọi tất cả những ai còn quan tâm đến vận mệnh của tổ quốc và dân tộc, nhất là những người trẻ tuổi hãy tham gia và cùng với chúng tôi xiết chặt tay nhau để đấu tranh, góp phần mang lại tự do, dân chủ cho toàn dân Việt Nam hầu mai sau sẽ trở thành
một nước Việt Nam Mới tiến bộ theo trào lưu trên thế giới.

Trân trọng kính chào qúy vị,
TM. BĐH Lâm Thời
Điều Hành Trưởng


Võ Văn Trung