Sunday, August 2, 2009

Nhận định tình hình " quá sơ sài "

Một cựu tù nhân chính trị, từng ngồi tù bốn năm ở Việt Nam, cho rằng những nhà hoạt động vừa bị bắt trong tháng Bảy đã "quá nóng vội".


Ông Nguyễn Khắc Toàn từng ở tù trong bốn năm

Ông Nguyễn Khắc Toàn bị tòa án ở Hà Nội buộc tội "làm gián điệp" năm 2002, sau khi ông chuyển ra ngoài tin tức về các cuộc biểu tình của nông dân.

Năm 2006, ông được trả tự do và vẫn đang sống ở Hà Nội.

Nói chuyện với đài BBC hôm 30/07, sau khi một nhóm dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một số nhà đối kháng, ông Toàn cho rằng những áp lực như vậy từ phía Mỹ "chưa đủ mạnh".

Nguyễn Khắc Toàn: Tôi được biết vừa qua cũng có những áp lực từ chính giới Hoa Kỳ. Ví dụ bà dân biểu Loretta Sanchez vừa giới thiệu ra hạ viện Nghị quyết 672 đòi nhà nước cộng sản trả tự do cho các nhà hoạt động dân chủ. Bà cũng đòi bỏ các nghị định hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân, và đặc biệt phải bãi bỏ điều 88 Luật Hình sự.

Nói chung những áp lực này chưa đủ mạnh để buộc Việt Nam nới tay và thả những tù nhân chính trị. Vì nhà cầm quyền đã quá quen thuộc, thậm chí "nhờn thuốc" trước các áp lực đó. Không có tác dụng gì đâu. Nếu Hoa Kỳ muốn Hà Nội thả tù nhân, nới lỏng quyền sinh hoạt dân sự, Hoa Kỳ phải có những bước đi mạnh hơn. Hoa Kỳ đừng sợ Hà Nội gần lại với Bắc Kinh, làm quan hệ Mỹ - Việt căng thẳng hơn.

BBC:Nhưng rõ ràng có quan điểm cho rằng quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt - Trung ngày càng gần gũi. Ông thấy thế nào?

Trong mấy năm qua, những người có quyền lực ở Hoa Kỳ tính toán rằng nếu gây áp lực mạnh với Hà Nội, nhà cầm quyền ở đây sẽ gần Trung Quốc hơn, và điều đó gây bất lợi cho thúc đẩy nhân quyền. Đây là sự tính toán lạc điệu. Tôi cho rằng Hà Nội hiện nay cũng chẳng ưa gì Bắc Kinh vì Trung Quốc đang uy hiếp lãnh thổ Việt Nam. Những người nắm quyền lực ở Hà Nội cũng đang sợ sẽ làm đội ngũ nội bộ trong đảng chia rẽ vì vấn đề Trung Quốc. Vừa rồi bức tâm thư của các vị lão thành cách mạng đã cảnh báo việc gần Trung Quốc không có lợi. Họ cũng thấy nhu cầu dân chủ hóa đời sống trong nước thực sự là cần thiết.

Nhiều đảng viên, công an tôi gặp, họ cũng quay sang chê Trung Quốc là "tham bát bỏ mâm". Tham vài hòn đảo, tham vài cây số trên biên giới phía bắc, nhưng làm vậy, họ khiến nội bộ đảng cộng sản Việt Nam phân hóa thêm. Bằng mặt đấy, chứ không bằng lòng đâu.


Nguyễn Tiến Trung thuộc số những người bị bắt trong tháng Bảy theo điều 88

BBC:Quay lại chuyện những người bất đồng chính kiến. Ông đánh giá ra sao về các vụ bắt giữ gần đây?
Đặc điểm các vụ bắt bớ trong tháng Bảy hoàn toàn khác so với giai đoạn trước. Họ nhắm chủ yếu vào những người nhen nhóm lập ra các đảng phái, hoạt động có tổ chức, có mưu đồ đấu tranh với Đảng trong thời gian ngắn. Phần lớn rơi vào các anh chị em trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm cả về đường đời lẫn hoạt động chính trị.
Những người như chúng tôi nhận định tình hình bây giờ đã cởi nới hơn trước một chút, họ để yên cho những người phát biểu chính kiến độc lập. Dĩ nhiên, từ góc độ hoạt động nhân quyền, tôi và những người chưa bị bắt hoàn toàn phản đối và đòi trả tự do cho những người đó.
BBC:Khi ông nói những người bị bắt còn thiếu kinh nghiệm, phải chăng đã có sự phân hóa trong giới đối kháng chính trị?
Cứ xem những người bị bắt. Lê Công Định rất trẻ, chưa va vấp thực tế. Nguyễn Tiến Trung 26 tuổi, cũng chưa bao giờ bị công an bắt bớ nặng nề như chúng tôi. Nhiều người trẻ khác, chúng tôi còn không biết họ đã hoạt động gì để đến nỗi bị bắt.
Phần lớn những người bị bắt gần đây có chung đặc điểm là họ nhận định tình hình Việt Nam quá sơ sài. Theo ý kiến của tôi, phong trào dân chủ Việt Nam sẽ không đảm đương nổi công việc lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng Màu để chuyển đổi chế độ này sang đa nguyên đa đảng. Việt Nam khác hẳn Đông Âu. Công việc đấu tranh dân chủ ở Việt Nam sẽ chuyển biến theo tình hình bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, và theo sự phân hóa nội bộ đảng cộng sản, buộc họ phải chuyển đổi để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Phong trào dân chủ Việt Nam sẽ không đảm đương nổi công việc lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng Màu. ( Nguyễn Khắc Toàn )

BBC:Nói cách khác, nếu Việt Nam có một Walesa, Havel, những người đó sẽ là đảng viên cộng sản?
Đúng thế. Tình hình Việt Nam chuyển biến là do nội bộ đảng cộng sản sẽ xuất hiện những Gorbachev, Yeltsin hay [Alexander Nikolaevich] Yakovlev.
BBC:Ý kiến này có phải đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng của ông so với trước đây?
Từ trước tới nay, tôi vẫn nhận định phong trào dân chủ Việt Nam sẽ không đảm đương được sự lãnh đạo nhân dân. Nhân dân Việt Nam mấy chục năm qua sống trong chế độ toàn trị, hầu hết đã bị tiêu diệt tinh thần đối kháng, ý chí tự cường quật khởi.
Hiện nay ở Việt Nam không thể xuất hiện một Gorbachev, Yeltsin vì đảng cộng sản đã rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ Đông Âu. Chúng tôi chỉ trông chờ thế hệ trẻ nối tiếp thế hệ lãnh đạo già và đương quyền hiện nay, sẽ nhìn nhận ra bối cảnh mới và áp lực trong ngoài nước, để họ tự thay đổi.
BBC:Ông có sợ là người ta sẽ cho những ý kiến của ông mang màu sắc "bênh" nhà nước?
Tôi không hề bênh nhà nước. Tôi đã nói rõ tôi phản đối việc đảng cộng sản đàn áp anh chị em đấu tranh dân chủ thời gian qua, phải trả tự do cho họ. Nhưng số anh chị em vừa rồi bị bắt cũng quá nóng vội, sốc nổi và bồng bột.
Theo BBC

No comments:

Post a Comment